Thuật tướng số của Trung Quốc mặc dù rất thâm thúy, rộng lớn, phức tạp, thần bí, giống như đã tiết lộ điều bí mật của đất trời, nhưng khi phân tích kỹ thì nó cũng có một phương pháp tính toán cơ bản, đó chính là quy luật tượng trưng và phép diễn dịch.
Hình tượng và diễn giải về Ngũ hành Âm, Dương
Trong hệ thống triết học cổ đại Trung Quốc, Âm Dương Ngũ Hành tuy có phương diện duy vật mộc mạc đơn sơ của nó, nhưng cũng khó tránh khỏi còn tồn tại nhiều thiếu sót, đặc biệt là Ngũ Hành: dùng năm loại vật chất Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy bao lấy vạn vật tự nhiên nên khó tránh khỏi cứng nhắc, thô vụng; Ngũ Hành tương sinh, lấy Kim sinh Thủy là nói đến trạng thái hóa lỏng của kim loại ở nhiệt độ cao, nhưng trạng thái hóa lỏng của kim loại sao có thể đánh dấu bằng với Thủy được? Hoặc như Thổ là mẹ của vạn vật, có thể sinh Mộc, sinh Kim, sinh Hỏa, sinh Thủy, nhưng thật ra, mỗi cái đều có đặc điểm riêng, Thổ là Thổ, Thủy là Thủy, Thủy có trong Thổ vốn cũng là một hình thức tồn tại của Thủy, sao lại có thể cho rằng nó do Thổ sinh ra?
Nhưng ở đây, ta tạm không nói đến những điều này mà xét về quy luật tượng trưng trong thuật tướng số.
Con người – một trời đất thu nhỏ Lấy con người tượng trưng cho trời đất vũ trụ là cách nhận thức phổ biến của người xưa. Trời đất tự nhiên luân chuyển tuần hoàn không ngừng, con người cũng luân chuyển tuần hoàn không ngừng trời đất tự nhiên có Âm Dương Ngũ Hành, con người cũng có Âm Dương Ngũ Hành. Điều này đã dẫn đến việc tìm hiểu sự khác nhau của khí Âm Dương Ngũ Hành trong Can Chi năm tháng ngày giờ sinh của mỗi người để từ đó suy đoán các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của họ.
Con người hợp với thứ tự của Tứ thời Điều này xuất phát từ quan điểm con người là một trời đất thu nhỏ. Các Âm Dương gia chia 10 Thiên Can và 12 Địa Chi thành Âm Dương Ngũ Hành, rồi dựa vào chúng để ghi năm, tháng, ngày, giờ sinh của người đi xem tướng số, và từ đó suy đoán tốt xấu trong cuộc đời họ. Ngoài ra, các Âm Dương gia còn kết hợp với mùa sinh để xác định trạng thái Vượng, Tướng, Hưu, Tù, Tử của Ngũ Hành. Có thể nói đây là phương pháp tượng trưng con người hợp với thứ tự của Tứ thời.
Ngũ Hành 12 cung Ký sinh Đây là quy luật tượng trưng hoàn toàn mô phỏng sự sinh ra, lớn lên, suy yếu và chết đi của sinh vật trong giới tự nhiên qua 12 tháng trong năm. Trong lý luận Ngũ Hành 12 cung Ký sinh có phân chia thành các trạng thái: Trường Sinh, Mộc Dục, Quan Đới, Lâm Quan, Đế Vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng. Những trạng thái này cứ luân chuyển tuần hoàn, không có điểm dừng; xét về mặt sinh lý của con người, khí Ngũ Hành trong cơ thể con người cũng tuần hoàn tương tự.
Bản tính Ngũ Hành và tướng mạo, tính tình con người Con người nhận lấy khí của Ngũ Hành mà sinh ra, nên theo các nhà tướng số, người mang bẩm tính Ngũ Hành khác nhau thì tự nhiên cũng sẽ có tính tình, tướng mạo khác nhau. Người mệnh Mộc thì cao gầy, thanh mảnh, mộc mạc, vì hình dáng Mộc cao, tính chất Mộc đơn sơ giản dị, người mệnh Hỏa thì mặt đỏ, thông minh vì Hỏa có màu đỏ, tính Hỏa rực sáng; người mệnh Thổ thì mặt vàng, trung hậu vì Thổ màu vàng, tính Thổ đôn hậu; người mệnh Kim thì mặt trắng, cương nghị, vì Kim màu trắng, tính chất cứng rắn; người mệnh Thủy thì mặt đen, lanh lẹ, vì Thủy màu đen, tính Thủy linh động.
Dụng thần tượng trưng cho cương thường luân lý xã hội Các nhà nghiên cứu tướng số khi bàn về mệnh thường xem trọng Dụng thần, mà nguồn gốc của tên gọi Dụng thần phần nhiều tượng trưng cho cương thường luân lý của xã hội phong kiến. Để thấy rõ điều này, xin xem lại cách lập ra các tên gọi Ấn, Thực, Quan, Tài trong phần bụng thần.
Xét về phương pháp suy đoán. Phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất trong quá trình suy đoán của thuật tướng số là phép diễn dịch. Trong cách suy đoán diễn dịch này, đầu tiên các nhà tướng số sẽ lấy Can Chi Ngũ Hành của năm, tháng, ngày, giờ sinh và Đại vận của một người, sau đó dựa vào đấy mà từng bước suy luận ra, nếu trong mệnh Ngũ Hành của người đó thuộc Kim, mà lại có Kim nhiều, Thổ nhiều, Thủy ít, Mộc ít, Hỏa ít thì có thể suy đoán người này thuộc tính Kim, bản tính cương trực không a dua, do Kim Thủy tương sinh, nước chảy thông suốt, nên thông minh hơn người, tài năng xuất chúng; trong Hành vận, không hợp Kim Tỉ Kiếp và Thổ Ấn Thụ, bởi trong Bát tự đã có quá nhiều, mà cần Thủy Thực Thần Thương Quan, Mộc Chính Tài Thiên Tài và Hỏa Quan Tinh làm Dụng Thần, vì vậy khi vào Thủy vận, Mộc vận, Hỏa vận, ắt sẽ phát triển.
Trong thực tế, khi các thầy tướng số tiến hành suy đoán diễn dịch một Bát tự còn phức tạp hơn nhiều so với những điều kể trên bởi ngoài việc xem xét quan hệ của Ngũ Hành trong Bát tự với nhật chủ, họ còn phải suy xét một cách tổng hợp về sự lợi hại của tháng sinh và 12 cung Ngũ Hành đối với bản thân, rồi Hình Xung Hóa Hợp trong Bát tự và hàng loạt cát thần, hung sát được hình thành do sự tương tác qua lại của Can Chi, V.v. Vì vậy, phép diễn dịch trong thuật tướng số cũng không hoàn toàn giống với phép suy đoán diễn dịch trong logic học của chúng ta ngày nay. Vì yêu cầu khi suy đoán diễn dịch là tiền đề suy đoán phải chính xác, nếu không kết luận sẽ sai lầm. Thế nhưng, mức độ tin cậy của những tiền đề mà các nhà tướng số dựa vào vẫn còn là một nghi vấn lớn.
Qua phần phân tích trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy thuật tướng số không quan tâm đến sự nỗ lực của con người đối với tương lai của chính mình và những ảnh hưởng lớn của xã hội. Vì thế, nếu tướng số suy đoán đúng thì đó chỉ là ngẫu nhiên, còn đoán không đúng thì cũng là lẽ tất nhiên mà thôi.