Phê bình về thuật đoán mệnh

song song với những lợi ích mà thuật đoán mệnh mang lại, thì vẫn có những chỉ trích phê bình đi kèm, hãy cùng chúng tôi điểm qua những phê bình về thuật đoán mệnh dưới đây.


Quan điểm “Phi mệnh” của Mặc Tử

“Phi mệnh” là quan điểm phủ định, phản đối quan điểm Thiên mệnh (mệnh trời). Đây là học thuyết của trường phái Mặc gia thời Tiên Tần. Cũng giống như các học thuyết “Kiêm ái”, “Phi công”, học thuyết này chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Có thể nói, trong không khí vẩn đục, tràn ngập quan điểm Thiên mệnh lúc bấy giờ, thì quan điểm tiên phong, mới mẻ mà trường phái Mặc gia đưa ra đã thổi một luồng gió mát, làm thức tỉnh mọi người.

Trong sách “Mặc Tử”, phần “Phi mệnh”gồm có ba chương, tập trung thể hiện sự phê phán của Mặc Địch - người đại diện cho trường phái Mặc gia - đối với quan điểm “Thiên mệnh”. Có thể nói đây là những trang viết đặc sắc, nổi bật, phản đối thuyết Thiên mệnh của Trung Quốc cổ đại. | Trong chương một của “Phi mệnh”, Mặc Tử nói rằng các vua chúa, quan lại thời cổ đại, khi cai trị đất nước đều hy vọng quốc gia giàu có, dân chúng đông đúc, tình hình chính trị ổn định, nhưng trong thực tế thì ngược lại. Tại sao như vậy? Câu trả lời là do trong xã hội có quá nhiều người mang chủ trương có số mệnh”. Những người này cho rằng: “Số mệnh định trước giàu có thì giàu có, nghèo khó thì nghèo khó, đông đúc thì đông đúc, ít ỏi thì ít ỏi, yên ổn thì yên ổn, loạn lạc thì loạn lạc, sống lâu thì sống lâu, đoản mệnh thì đoản mệnh. Dù có tốn bao nhiêu công sức cũng chẳng ích gì.” Bọn họ vừa rao bán những tư tưởng này cho các vua chúa quan lại, vừa làm ảnh hưởng đến sự tích cực làm việc của người dân, nên là những kẻ bất nhân. Vì thế, cần phải phân biệt rõ ràng, triệt để các lời nói mê hoặc xằng bậy này.

Vậy làm thế nào mới có thể phân biệt rõ ràng triệt để được? Muốn làm được điều này, theo Mặc Tử, trước tiên phải tìm hiểu về sự tích của các thánh vương thời cổ đại, sau đó xem xét tường tận tình hình thực tế của người dân, và cuối cùng là kiểm nghiệm trong các biện pháp chính trị, hình pháp xem có phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân hay không.

Mặc Tử nói rằng, ngày nay, nếu những kẻ hiểu biết trong thiên hạ cho rằng có số mệnh thì tại sao không tìm hiểu về sự tích của các bậc thánh vương đời trước? Xưa, vua Kiệt nhà Hạ làm thiên hạ rối loạn, sau đó vua Thang nhà Thương trị vì làm cho thiên hạ thái bình; vua Trụ nhà Thương làm thiên hạ rối loạn, sau đó Chu Vũ Vương kế nghiệp khiến đất nước ổn định lại. Trong thời gian này, xã hội không có thay đổi, người dân cũng không thay đổi, nhưng khi vua Kiệt, vua Trụ cai trị thì thiên hạ đại loạn, vua Thang nhà Thương, Chu Vũ Vương cai trị thì thiên hạ bình ổn, điều này chẳng lẽ lại do số mệnh sao?

Ngày nay, nếu những kẻ hiểu biết trong thiên hạ cho rằng có số mệnh thì tại sao không xem lại các điển tích của tiên vương. Điển tích của bậc tiên vương vốn là những phép tắc do nhà nước chế định ra, công bố, thi hành đến bá tánh thường dân. Sách có bao giờ nói “hạnh phúc không thể vì cầu mong mà có được, tai họa thì không thể tránh khỏi, lương thiện không phải là điều tốt, hung tàn không phải là điều hại”? Bây giờ, chỉ cần xem qua những lập luận của người chủ trương có số mệnh” thì đều không tìm thấy trong các sách của tiên vương, đây rõ ràng không phải là đã bị loại bỏ rồi sao? Hơn nữa, những lập luận này đều đi ngược với đạo nghĩa trong thiên hạ. Chính chúng làm cho người dân khốn khổ, không có lối thoát. Lấy việc làm người dân khốn khổ, không thể tự thoát ra được làm niềm vui của bản thân, đây chính là những kẻ gây hại cho thiên hạ.

Vậy tại sao mọi người lại muốn người theo chính nghĩa cai trị đất nước? Câu trả lời là người theo chính nghĩa cai trị thì thiên hạ ổn định; thượng đế, núi sông, quỷ thần có người kế thừa chính thống, người dân có điều tốt đẹp. Làm thế nào chứng thực được điều này? Ngày xưa, vua Thang nhà Thương được ban cho cai quản Hào Ấp (nay là huyện Thương Khâu, tỉnh Hà Nam), diện tích tính ra không quá trăm dặm vuông, nhưng vua Thang nhà Thương lại có thể cùng dân “thương yêu nhau, làm lợi cho nhau, phần dư thì cùng nhau phân chia”, dẫn dắt người dân tôn kính trời, tin tưởng quỷ thần, nên thượng đế, quỷ thần mới làm cho đất nước của vua Thang nhà Thương trở nên giàu có, kết quả là chư hầu quy phục theo, người dân gần gũi thân thiết, bậc hiền sĩ theo về, được tôn xưng là vua của thiên hạ, làm thủ lĩnh của các chư hầu. Lại như Chu Văn Vương được sắc phong ở đất Kỳ Chu (nay là huyện Kỳ Sơn, tỉnh Thiểm Tây), vùng đất này cũng có diện tích không quá trăm dặm vuông, nhưng Chu Văn Vương cùng trăm họ “thương yêu nhau, làm lợi cho nhau, cùng nhau phân chia phần dư”, nên người dân ở đó đều vui vẻ chịu sự cai trị của ông, còn người dân ở nơi xa nghe nói đến cái đức cai trị của ông cũng theo về. Lúc bấy giờ, chỉ cần nghe đến tên của Chu Văn Vương, mọi người không những đều lập tức chạy ngay đến với ông mà ngay cả người bệnh tật ốm yếu đang nằm tại nhà chờ đợi tha thiết hy vọng rằng: “Nếu đất của Văn Vương mở rộng đến chỗ chúng tôi thì không phải chúng tôi cũng đã trở thành thần dân của Văn Vương sao?” Chính vì vậy mà quỷ thần trên trời đã làm cho đất nước của Văn Vương trở nên giàu có, kết quả chư hầu quy thuận, người dân gần gũi thân thiết, kẻ sĩ phục tùng, cả đời xưng vương thiên hạ, đứng đầu các chư hầu.

Vì vậy, các bậc thánh vương ngày xưa đã định ra pháp luật, ban bố chính lệnh, xây dựng những điều lệ thưởng phạt để khuyến khích cổ vũ người tốt, khống chế kẻ xấu. Điều này làm cho người dân ở nhà thì hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài thì kính trọng những bậc sư trưởng, ra vào đều có phép tắc lễ tiết, nam nữ cư xử đúng mực. Nếu đất nước do những người này quản lý cai trị thì quan lại không tham ô, quân sĩ không làm loạn, vua gặp nạn thì thề chết bảo vệ, vua lưu vong thì đi theo hộ tống. Đây là những điều mà vua chúa tán thưởng, muôn dân ca ngợi. Nhưng đối với các điều này, “người chủ trương có số mệnh” lại nói: “Vua ban thưởng là điều đã sẵn có trong mệnh, chứ không phải vì đã làm việc tốt mới được ban thưởng.” Chi phối bởi tư tưởng này, nhiều người ở nhà không hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài không kính trọng sự trưởng, ra vào không tuân theo phép tắc lễ tiết, nam nữ hỗn tạp. Nếu đất nước do những người này quản lý cai trị thì quan lại tham ô, quân sĩ phản loạn, vua gặp nạn thì không cứu, vua lưu vong thì không đi theo hộ tống. Đây là điều mà vua chúa cảnh giác, lo ngại, muôn dân than trách. Nhưng đối với những điều này, “người chủ trương có số mệnh” lại nói: “Bị vua trừng phạt là do trong mệnh của những người này vốn đã như thế, Không phải do phạm tội mới bị trừng phạt.” Chi phối bởi tư tưởng này, người làm vua có thể không theo chính nghĩa, kẻ bề tôi có thể không trung thành, người làm cha có thể không yêu thương bảo vệ con cái, người làm con có thể không hiếu thuận với cha mẹ, người làm anh có thể không quan tâm đến em út, kẻ làm em có thể không tôn kính huynh trưởng. Vì vậy, “người chủ trương có số mệnh” quả thật là kẻ tạo nên những lý luận sai lầm và tội ác.

Vậy làm thế nào để có thể thấy rõ “người chủ trương có số mệnh” là những kẻ tạo ra các lý luận sai lầm và những điều tồi tệ? Xét những người dân không khai hóa thời ấy, lúc ăn thì lòng tham không đáy, lúc làm việc thì lười biếng, vì vậy cái ăn cái mặc đều thiếu thốn, trong lòng luôn lo lắng bản thân bị đói bị rét. Nhưng họ không những không nghĩ đó là do “ta quá lười biếng, không chịu lao động, làm việc không hiệu quả”, mà kiên quyết cho rằng “số mệnh ta vốn là phải chịu đói chịu rét”. Còn các tên bạo chúa ngày xưa, đã không kiềm chế được ham muốn dục vọng và tà tâm trong người, mà còn bất hiếu với cha mẹ, nên cuối cùng nước mất nhà tan. Nhưng họ không những không nghĩ đó là do “ta quá lười biếng, vô tích sự, không giỏi xử lý việc nước, việc nhà”, mà kiên quyết cho rằng “số mệnh ta vốn là phải làm nước mất nhà tan”. Trong “Thư Kinh - Trọng Hủy Chi Cáo” có chép lời của vua Thang nhà Thương phủ định quan điểm Thiên mệnh của vua Kiệt nhà Hạ: “Ta nghe nói người nhà Hạ giả mệnh trời, ban bố mệnh lệnh khắp thiên hạ, thế nên thượng đế nổi giận mà phạt tội họ, do đó quân đội nhà Hạ bị tiêu tan hết.” Còn trong “Thư Kinh – Đại Thệ” cũng có chép lời của Chu Vũ Vương phủ định quan điểm Thiên mệnh của vua Trụ: “Vua Trụ nhà Thương lúc bình thường không chịu phụng sự thượng đế quỷ thần, vứt bỏ mất tổ tiên, không cúng tế, lại còn nói: “Ta có số mệnh tốt, không cần phải cố sức làm. Thế nên thượng đế cũng đã vứt bỏ vua Trụ không bảo vệ nữa.”

Ngày nay, do lập luận của “người chủ trương có số mệnh” mà vua không chăm lo việc nước, dân không chuyên tâm làm việc. Vua không chăm lo việc nước thì chính trị hỗn loạn, dân không chuyên tâm làm việc thì tiền tài thiếu thốn, kết quả là trên không có rượu ngọt cơm ngon cúng tế trời, dưới không có cách thu nạp, giữ chân hiền sĩ trong thiên hạ, bên ngoài không thể tiếp đãi tân khách, chư hầu, bên trong không thể làm cho người dân nghèo khó được no ấm, càng không thể chăm sóc, nuôi dưỡng những người già yếu bệnh tật. Vì vậy, quan điểm Thiên mệnh “trên không có lợi cho trời, giữa không có lợi cho quỷ thần, dưới không có lợi cho con người”. Như thế, những “người chủ trương có số mệnh” không phải là người tạo nên mọi thứ lý luận sai lầm và việc làm tồi tệ sao?

Vì vậy, trong chương cuối, Mặc Tử tổng kết lại: “Ngày nay, những bậc quân tử trong thiên hạ thật lòng muốn thiên hạ giàu có, ghét nghèo khó, muốn thiên hạ bình ổn, ghét loạn lạc thì không thể không chống lại lập luận của những người chủ trương có số mệnh.”

Trong phần này, Mặc Địch từng bước làm rõ sự lý, mạnh mẽ phê phán tính nguy hại nghiêm trọng của “những lập luận của những người chủ trương có số mệnh” đối với thiên hạ bằng lý luận rất sắc bén, thâm thủy. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời đại, nên tự tưởng của Mặc Địch vẫn còn liên quan đến thượng đế, quỷ thần; nhưng không thể phủ nhận rằng tư tưởng của Mặc Địch là một điểm sáng lung linh, kỳ diệu trong xã hội tràn ngập khói sương mờ ảo của những con người tin vào số mệnh một cách điên cuồng, mù quáng lúc bấy giờ.

Có phải người xưa đều tin vào tướng Số bói mệnh?

Từ khi Lý Hư Trung thời Đường phát minh ra cách dùng Tam trụ: năm, tháng, ngày sinh và Từ Tử Bình đặt nền móng cho việc dùng Tứ trụ: năm, tháng, ngày, giờ sinh để suy đoán số mệnh thì thuật tướng số bắt đầu thịnh hành khắp thiên hạ, làm cho nhiều học giả và dân thường tin theo.

Trong “Tùng Song Mộng Ngữ” quyển 6, Trương Hàn đời Minh từng kể, vào một năm, một người bạn của tác giả là Tôn Quý Tuyền mời những người bạn đồng hương uống rượu. Trong buổi tiệc, Tôn Quý Tuyền hỏi năm tháng ngày giờ sinh của từng người, rồi ngầm suy đoán trong lòng nhưng không nói ra. Sau đó, khi tiệc tàn, Tôn Quý Tuyền kéo tác giả đến bên cạnh nói: “Tôi và huynh là bạn cùng tuổi, bây giờ chỉ có hai người chúng ta, tôi xem thấy tuổi trung niên của huynh vận hạn bất lợi, nhưng không biết rốt cuộc thế nào, bây giờ muốn đoán kỹ lại xem sao.” Sau khi đoán xong, Tôn Quý Tuyền nói rất chắc chắn: “Tuổi trung niên tuy Hành vận ở hướng Tây, nhưng chỉ là đường quan trường có chút trắc trở bất lợi, còn đối với bản thân, gia đình, tính mạng thì không có ảnh hưởng gì lớn. Qua khỏi vận Kim ở hướng Tây, vào vận Hỏa hướng Nam thì mọi thứ êm xuôi, thông suốt.” Năm đó, Tôn Quý Tuyền đỗ đầu bảng, tác giả đỗ thứ hai. Sau đó Tôn Quý Tuyền làm quan đến chức Tông bá, qua mười mấy năm sau, tác giả cũng được thăng đến chức Tể tướng. Lúc này, tác giả bất chợt nhận ra rằng: “Những chuyện tốt xấu, hay dở trong mấy chục năm được định sẵn trong Bát tự, như thế mới thấy sự tinh thông về thuật tướng số của huynh ấy”.

Trong quyển 7 “Ngọc Đường Tùng Ngữ”, một quyển bút ký tạp văn của học giả Tiêu Hoành đời Minh, cũng có câu chuyện như sau: có một học giả tên Tiêu Minh Phụng, rất giỏi thuật Tử Bình. Vào kỳ thi Đình năm Đinh Sửu Chính Đức, có người đem rất nhiều Bát tự của các thí sinh đến hỏi ông: “Xin ông hãy xem giúp lần thi Đình này ai là Trạng nguyên?” Tiêu Minh Phụng xem xong Bát tự của từng người rồi nói: “Người tên Thư Tân Khế này có thể đỗ đầu kỳ thi Đình, mũ Trạng nguyên chắc chắn anh ta sẽ lấy được thôi.” Khi kỳ thi Đình có kết quả, quả đúng như lời Tiêu Minh Phụng đã nói.

Có thể nói thật khó mà đưa ra hết các ví dụ trong những sáng tác thời Minh Thanh, được xem là bằng chứng vững chắc về việc tin tưởng vào số mệnh của người xưa. Nhưng có phải tất cả họ đều tin vào số mệnh không? Câu trả lời là “không”.

Trong cuộc sống của mỗi người, cảnh ngộ giàu nghèo, tuổi thọ dài ngắn vốn phải chịu sự chế ước của các nhân tố như lịch sử, xã hội, chính trị, văn hóa, môi trường, V.v.; thế nhưng các nhà tướng số lại gạt đi những yếu tố này mà chỉ bàn về số mệnh, đó quả là những lập luận sai lầm, không đáng tin cậy. Về điểm này, trong số những người không tin vào số mệnh, ngoài Mặc Địch, người sáng lập ra trường phái Mặc gia thì còn có Lã Tài, một nhà triết học nổi tiếng thời Đường. Trong “Toán Mệnh Thiên”, Lã Tài đã nói: “Hán Tống Trung, Giả Nghị chê cười Tư Mã Quý (thuật sĩ bói toán) rằng: “Nói tốt cho mệnh của người khác là để lấy lòng mọi người, nói họa phúc là muốn lấy tiền bạc của người khác. Vương Sung nói rằng: Người tích lấy điều thiện, ắt sẽ có được tốt lành, lẽ nào là nhờ trong mệnh có Lộc mà sau đó được tốt lành? Kẻ tích điều ác tất gặp tai ương, lẽ nào vì Kiếp Sát mà sau đó gặp tai họa?” Tiếp theo, Lã Tài đưa ra ví dụ: “Văn Vương vì vất vả, lo lắng mà tổn thọ, chứ không phải do ban đầu gặp phải Không Vong; hố Trường Bình chôn sống tù binh không phải do họ đều thuộc Tam Hình (40 vạn hàng binh nước Triệu bị nước Tần chôn sống trong hầm, không phải đều do trong mệnh phạm vào Tam Hình); Nam Dương (Hán Quang Vũ Đế) có nhiều họ hàng gần, không phải do Lục Hợp (Địa Chỉ trong mệnh).” Ngoài ra, ông còn phân tích kỹ về mệnh của Lỗ Trang Công. Nếu dựa theo năm tháng ngày giờ sinh của Lỗ Trang Công mà suy đoán thì phải thuộc mệnh nghèo hèn, nhưng thực tế ông lại là vua một nước. Điều thú vị là, Lã Tài là một chuyên gia am hiểu sâu sắc về Âm Dương, địa lý phong thủy trong lịch sử. Trong “Cựu Đường Thư” đến nay vẫn còn lưu giữ lại một số tác phẩm của ông như “Tự Trạch Kinh”, “Tự Lộc Mệnh”, “Tự Táng Thư”. Xem ra, chính vì đã từng đi sâu nghiên cứu trong lĩnh vực này nên ông mới có thể hiểu tường tận những điều hoang đường của thuật tướng số để phản bác.

Đến thời Triệu Tống, Phí Cổn soạn “Lương Khê Mạn Chí”, gồm 10 quyển. Trong quyến 9 có phần “Đàm Mệnh” nói rằng: “Thời nay, các bậc đại phu học sĩ đa số đều thích nói về mệnh, họ thường tự nghiên cứu, cũng có người rất tinh thông. Tôi hay thấy mọi người nói: “Ngày sinh là để xem về mệnh của con người, chưa thấy những người có năm, tháng, ngày, giờ sinh giống nhau bao giờ, có một hai trường hợp trùng nhau thì cũng là lạ. Tính sơ qua, nếu không có người sinh cùng giờ, thì cứ một giờ sinh ra một người, một ngày sẽ có 12 người được sinh ra; một năm sẽ có 4.320 người, một Hoa Giáp sẽ có 259.200 người. Bây giờ chỉ tính trong một phủ lớn, thì dân số cũng không dưới mấy trăm ngàn người, huống hồ trong khắp thiên hạ rộng lớn từ vua quan cho đến người dân thường, đầu chỉ có ức triệu? Tuy là con số rõ ràng, nhưng cũng không thể tính hết được, người sinh cùng giờ cũng không phải ít. Trong đó, vào giờ mà một vị vương công đại nhân sinh ra thì nhất định cũng sẽ có những người dân thường sinh ra, vậy sao lại có sự khác nhau về giàu sang nghèo hèn?”

Trong quyển 1 của “Kê Lặc Biên”, tác phẩm thời Nam Bắc Tống, tác giả Trang Xước cũng nói rằng lời nói của các Âm Dương gia không thể tin được, chỉ có giữ mình ngay thẳng, trong sạch, làm người tốt mới là biện pháp duy nhất để sống ở đời.

Đến đời Thanh, cũng có nhiều danh sĩ không tin vào số mệnh như Vương Sĩ Trinh, Viên Mai, Ngô Xí Xương... Trong quyển 7 “Tục tập” của tác phẩm “Khách Song Nhàn Thoại” của Ngô Xí Xương có phần “Lộc Mệnh” kể rằng: Gần đây có một thầy tướng số họ Triệu, giải thuật Tử Bình, ông tự đoán mệnh của mình đáng ra phải là quan tứ phẩm nhưng vì ít học nên khó cầu công danh. Sau đó, họ Triệu đến Kinh đô, thấy cảnh những người làm quan đều là kẻ dưới xu ninh, bợ đỡ kẻ trên nhằm tư lợi, trong lòng cảm thấy rất khó chịu, nên rời bỏ Kinh đô trở về Dương Châu treo bảng xem tướng số. Bình thường ông ngồi trên lầu, người muốn xem tướng phải lấy tiền đăng ký thứ tự, sau đó dùng sọt tre để Bát tự vào mà kéo lên, trừ những người giàu có, sang trọng ra, người bình thường rất khó gặp mặt ông, vì vậy mà tiếng tăm lừng lẫy. Một lần, Thái thú trong quận phái người đến chỗ họ Triệu xem tướng, họ Triệu thấy Bát tự của Thái thú giống với mình, trong lòng rất lấy làm lạ, liền dùng giấy đưa xuống lầu hỏi người hầu ấy rằng: “Nếu sinh ở phương Nam thì cũng không khác gì mệnh của ta, còn sinh ở phương Bắc sẽ là quan tứ phẩm.” Sau đó người hầu trả lời: “Lão gia nhà tôi là người phương Bắc." Quả nhiên đã bị ông ta đoán đúng.

Nhưng trong thực tế, những người có Bát tự hoàn toàn giống nhau nhưng vận mệnh khác nhau thì nơi đâu cũng có. Con trai của Tuần phủ Chiết Giang lúc ấy và con trai của một người bán đậu phụ ở Trấn Giang sinh ra cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, nhưng sau đó con trai của Tuần phủ nhờ tập ấm cha mà cũng trở thành Tuần phủ Chiết Giang, còn con trai người bán đậu phụ lại nối nghiệp cha, vẫn làm nghề bán đậu phụ. Lại như trong “Tiêu Hạ Lục” có chép rằng cháu trai của học sĩ Kỷ Hiểu Lam và con trai của một người ở trong nhà tên Lưu Vân Bằng được sinh ra cùng lúc, nhưng người cháu của Kỷ Hiểu Lam thì chết lúc mới 16 tuổi, còn Lưu Vân Bằng thì vẫn sống khỏe mạnh. Hai đứa trẻ được sinh ra cùng lúc, giống nhau cả giây phút, chỉ cách nhau một cánh cửa sổ nhưng một bên giàu sang còn một bên nghèo khó, một bên chết trẻ còn một bên sống thọ, điều này phải giải thích thế nào?

Có thể thấy sự phê phán của Lã Tài về tướng số quả thật là những lý lẽ ngàn năm không đổi.

Cuối cùng, Ngô Xí Xương tổng kết: “Trời đất rộng lớn, mỗi ngày có vô số người sinh ra chết đi. Ngày sống chết của các bậc đế vương chẳng lẽ lại không trùng với người khác?”

Ngoài những người đã kể trên thì các học giả mang thái độ hoài nghi đối với thuật tướng số hoặc không tin vào số mệnh vẫn còn rất nhiều. Có thể thấy từ xưa đến nay đã có một cuộc đấu tranh không khoan nhượng, một mất một còn giữa việc tin và không tin vào số mệnh.

Danh mục: BÁT TỰ-TỬ BÌNH
xem thêm