Thuật Bát tự trong “Kim Bình Mai” và “Hồng Lâu Mộng” .

Thuật tướng số Trung Quốc sau khi Từ Tử Bình thời Ngũ Đại đặt nền móng đã phát triển, lan rộng qua hai triều đại Tống Nguyên, đến thời Minh Thanh thì phổ biến rộng rãi trong nhân dân.


Những tình tiết xem Bát tự trong cả hai tác phẩm 

Trong xã hội, việc tìm người xem tướng đã trở thành tập quán nên dù là việc thi cử, buôn bán hay hôn nhân, sinh con, sinh lão bệnh tử đều tìm thầy tướng số để đoán xem tốt xấu. Bởi thế, xem tướng số thật sự trở thành một bộ phận không thể tách rời trong phong tục dân gian.

Vì toàn bộ học thuyết của thuật tướng số Trung Quốc đều mang triết lý Âm Dương Ngũ Hành nên nó được giới trí thức tiếp thu rộng rãi. Trong xã hội, ngoài những thầy xem tướng chuyên gạt người để kiếm miếng ăn thì người có học thức biết xem tướng số cũng rất nhiều. Chính vì vậy, thuật tướng số cũng được phản ánh trong các tác phẩm của giới văn nhân học sĩ. Trong đó, có nhiều tiểu thuyết nổi tiếng.

“Kim Bình Mai” là tác phẩm nổi trội trong số các tiểu thuyết thời Minh. Do tác giả có học vấn rộng, lại tinh thông tướng số nên tác phẩm có nhiều chỗ nói đến việc xem tướng số và bói toán. Ngoài phần xem tướng cho Tây Môn Khánh, ở hồi thứ 61 của tác phẩm còn có cảnh Hoàng tiên sinh xem tướng cho người thiếp yêu của Tây Môn Khánh là Lý Bình Nhi đang bị bệnh nặng.

Trong suốt mấy ngày, bệnh của Lý Bình Nhi càng lúc càng nặng, thần sắc nhợt nhạt, mồ hôi ướt đẫm, lục mạch yếu ớt, ẩn mất, hơi thở thoi thóp. Đã mời rất nhiều thầy thuốc đến xem, có người nói bởi quá ưu phiền, gan bị tổn thương, phế hỏa bốc lên dẫn đến Mộc vượng, Thổ hư, máu nóng chảy hỗn loạn, giống như núi lở mà không khống chế được, lại có người nói là do tinh khí xung ở huyết quản, sau đó do bực bội, khí và huyết xung nhau thì máu chảy ào ạt. Mỗi người chữa theo một cách, rối tung hết cả. Một buổi tối, vợ của Tây Môn Khánh là Ngô Nguyệt Nương nói với Tây Môn Khánh rằng: “Chàng đừng cho cô ấy uống thuốc nữa, những thứ cô ấy ăn uống vào đều nằm lại đó cả, bụng trứng cái gì rồi, phải uống thuốc xổ nó đi. Lúc trước, vị đạo sĩ họ Ngô đã đoán cô ấy 27 tuổi sẽ gặp nạn, năm nay cô ấy chẳng phải tròn 27 tuổi rồi là gì? Chàng hãy sai người tìm vị đạo sĩ họ Ngô này, nhờ ông ta đoán giúp, xem vận mạng thế nào? Chỉ sợ bị rơi vào ngôi sao xấu thì nhờ ông ấy giúp cho thoát nạn.” Tây Môn Khánh nghe xong, liền sai người mang một bức thư tay đến phủ Chu Thủ Bị hỏi thăm. Dân ở đó trả lời rằng: “Ngô đạo sĩ là người thích ngao du đây đó, đi về thất thường không biết được, và chỉ ở miếu Thổ Địa phía Thành Nam, từ tháng tư năm nay đã lên núi Võ Đang rồi. Muốn xem tướng số thì ngoài miếu Chân Vũ có Hoàng tiên sinh, xem số rất giỏi, mỗi lần chỉ mất ba đồng bạc nhưng không đến nhà xem đâu.” Tây Môn Khánh liền sai Trần Kính Tề đem theo ba đồng bạc đến nhà Hoàng tiên sinh ở phía Bắc miếu Chân Vũ. Trước cửa nhà thấy có dán mảnh giấy ghi: “Diệu toán tiên thiên Dịch số, mỗi mệnh quẻ ba đồng bạc." Trần Kính Tề cúi chào dâng bạc rồi nói: “Có một mệnh, phiền tiên sinh xem cho”, sau đó viết ra Bát tự mệnh nữ, 27 tuổi, sinh giờ Ngọ ngày 15 tháng Giêng. Hoàng tiên sinh xem qua, nói: “Mệnh này sinh vào năm Tân Mùi, tháng Canh Dần, ngày Tân Mão, giờ Giáp Ngọ, theo lý thì lấy Ấn Thụ cách. Khởi vận lúc 4 tuổi. Đại vận lúc 4 tuổi, 14 tuổi, 24 tuổi, 34 tuổi. Năm nay Lưu niên là Đinh Dậu, Tỉ Kiên dụng sự. Tuổi phạm vào Can Chi ngày có sao Kế Đô chiếu mạng, lại phạm vào Tang Môn Ngũ Quỷ, Tai Sát quấy nhiễu. Sao Kế Đô là sao tăm tối, tượng của nó giống như mớ tơ rối không có đầu mối để luôn luôn thay đổi. Nếu trong Đại vận gặp phải ngôi sao này thì đa số mệnh chủ sẽ gặp chuyện mờ ám, dẫn đến bệnh tật, vào các tháng Giêng, hai, ba, bảy, chín bệnh tình càng nặng, lại gặp tai ương, bị kẻ tiểu nhân ám hại, mang tiếng thị phi, mất hết tài vật. Nếu là Âm nhân (con gái) thì càng bất lợi.” Trần Kính Tề chép lại mấy lời quẻ này mang về nhà. Lúc ấy, Tây Môn Khánh đang ngồi trò chuyện cùng Ung Bá Tước và Ôn Tú Tài, sau khi xem xong lời quẻ, liền mang ra phía sau giải thích cho Nguyệt Nương nghe. Thấy trong mệnh lành ít dữ nhiều, mới thốt lên rằng: “Hai mày nặng trĩu ba vòng khóa. Tâm can đầy ắp nỗi sầu lo."

Ở đây, Bát tự của Lý Bình Nhi là:

(năm) Tân Mùi (tháng) Canh Dần (ngày) Tân Mão (giờ) Giáp Ngọ

Hoàng tiên sinh cho rằng Bát tự này lẽ ra phải lấy Ấn Thụ cách, tuy không nói rõ nguyên nhân, nhưng thiết nghĩ Mậu Thổ trong Địa Chi tháng Dần vốn là Ấn Thụ Tân Kim của bản thân cô ta, vì vậy mà lấy cách cục này. Còn như Hành vận thì suy đoán ngược lại.

Xét về Lưu niên Đinh Dậu, Tỉ Kiên dụng sự thì Dậu thuộc Tân Kim, Thiên Can Đinh cũng mang tính Âm cùng loại với Tân Kim của bản thân, vì vậy mà gọi là TỈ Kiên dụng sự; tuổi phạm vào Thiên Can ngày chính là Lưu niên Đinh Hỏa khắc hại Thiên Can ngày Tân Kim. Theo cách nói của sách tướng số thì tuổi phạm vào Thiên Can ngày chưa hẳn là đại họa. Ở đây, Hoàng tiên sinh cho rằng nguyên nhân làm cho Lưu niên của Lý Bình Nhi gặp bất lợi lớn là do có sao Kế Độ chiếu mệnh, lại phạm vào Tang Môn Ngũ Quỷ, Tai Sát quấy nhiễu. Bình thường thì ngôi sao này ẩn đi, không thấy xuất hiện, nhưng nếu gặp mặt trời mặt trăng lưu chuyển thì sẽ hao mòn, tổn hại, do vậy Hoàng tiên sinh mới nói: “Sao Kế Đô là sao tăm tối, tượng của nó giống như một mớ tơ rối không có đầu mối để luôn luôn thay đổi”. Trong Âm Dương, người nữ thuộc về Âm, người thuộc Âm mà gặp phải ngôi sao Âm xui xẻo này thì khó trách sao cuối cùng phải mất mạng.

Không giống như người thời Minh, Bát tự và Thần Sát gắn chặt với nhau, người đời Thanh chỉ xuất phát từ Bát tự của bản thân kết hợp với Tuế vận để phán đoán tốt xấu, vì cho rằng Thần Sát chỉ làm cho tính linh hoạt và chuẩn xác của việc đoán mệnh gặp nhiều trở ngại.

Tác giả Hồng Lâu Mộng ắt hẳn tinh thông thuật Bát tự

Điều thú vị là, trong “Hồng Lâu Mộng”, quyển bách khoa toàn thư của xã hội phong kiến, tác giả không chỉ thể hiện sự am hiểu về luân lý xã hội, thơ ca, từ phú, Nho Phật Đạo, kinh tế chính trị, cầm kỳ thi họa, điển tích điển cố, nấu nướng ẩm thực, vv. mà còn tinh thông cả tam giác cửu lưu như y học, bói toán, chiêm tinh, tướng số, vv. Ở hồi thứ 2 trong “Hồng Lâu Mộng” có nói về cô hầu Kiều Hạnh, năm ấy khi cô đang hái hoa bên ngoài cửa sổ, chợt quay đầu nhìn thấy Giả Vũ Thôn, chỉ vì ánh mắt ngẫu nhiên này mà đã tạo nên mối kỳ duyên, thật là chuyện không ngờ đến. Nào ngờ Kiều Hạnh có vận mệnh trợ giúp, chỉ một năm sau khi lấy Giả Vũ Thôn đã sinh một bé trai, nửa năm sau đó thì vợ chính của Giả Vũ Thôn đột nhiên mắc bệnh qua đời nên Giả Vũ Thôn đưa nàng lên làm chính thất. Thật là:

Ánh mắt cố tình làm cuộc đời thay đổi.

Trong sách nói cô hầu Kiều Hạnh có “vận mệnh trợ giúp”, ý muốn nói cô có mệnh tốt, vận cũng tốt. “Mệnh” là sự tổng hòa của sang hèn, họa phúc, bế tắc, thông suốt, sống thọ, chết yểu của đời người; còn “vận” là cơ hội và khí số ở các giai đoạn trong cuộc đời con người.

Ở hồi thứ 69 trong “Hồng Lâu Mộng” có nói đến chuyện Vương Hy Phượng mượn dao giết người, cô đã hành hạ, không cho Vưu Nhị Tỷ ăn uống đến nỗi tay chân Vưu Nhị Tỷ không còn cử động nổi, dần dần người gầy gò, xanh xao. Sau đó, cô lại sai người tìm thầy tướng số về đoán mệnh cho Vưu Nhị Tỷ, thầy tướng số bói rằng Vưu Nhị Tỷ bị một người con gái thuộc mạng mèo (tuổi Mão) xung khắc. Do chỉ có Thu Đồng là tuổi Mão nên mọi người đoán rằng Vưu Nhị Tỷ bị Thu Đồng xung khắc, điều này làm cho Thu Đông tức giận kêu khóc chửi rủa khiến Vưu Nhị Tỷ càng thêm mệt mỏi nên canh năm đêm đó nuốt vàng tự tử.

Trong tác phẩm “Hồng Lâu Mộng”, văn hóa xem tướng số được miêu tả nhiều nhất ở hồi 86, đoạn thầy tướng số xem quẻ cho Nguyên phi.

Trong sách, Bảo Thoa nói: “Không chỉ là những tin đồn nhảm bên ngoài mà ngay cả trong nhà, vừa nghe hai tiếng nương nương cũng đã rối lên rồi, sau đó mới hiểu ra. Hai ngày nay, người ăn kẻ ở trong phủ nói, họ đã sớm biết không phải là nương nương của nhà mình rồi. Con hỏi: “Sao các người lại chắc chắn như vậy?” thì họ trả lời rằng: “Vào tháng Giêng mấy năm trước, ở tỉnh ngoài có giới thiệu về một thầy tướng số, nói là xem rất chính xác. Lão thái thái bèn kêu người đem Bát tự của Nguyên phi để chung với Bát tự của mấy cô hầu rồi đưa cho ông ấy đoán, ông ấy chỉ nói rằng: “Vị cô nương sinh vào mồng một tháng Giêng này chỉ sợ là giờ sinh đã viết sai rồi, nếu không thì phải là một quý nhân, nhưng không thể ở trong phủ này. Lão gia và mọi người đều nói: “Dù sai hay không thì cứ dựa theo Bát tự mà đoán thôi. Người ấy liền nói: “Năm Giáp Thân, tháng Giêng Bính Dần, trong bốn chữ này, có Thương Quan, Bại Tài, chỉ trong chữ Thân là có Chính Quan, Lộc Mã, trong nhà không thể nuôi được cũng không thấy điều gì tốt cả. Ngày sinh Ất Mão, đầu mùa xuân, Mộc hưng vượng, tuy là Tỉ Kiên, nhưng nào biết càng nhiều TỈ Kiên càng tốt, cũng giống như gỗ tốt vậy, càng qua gọt giũa thì mới thành đồ vật. Chỉ có điều vui mừng là ở trụ giờ có Tân Kim gì đó là quý, Chính Quan, Lộc Mã trong Tỵ cũng hưng vượng, đây gọi là “Phi Thiên Lộc Mã cách. Rồi nào là “Nhật Phùng Chuyên Lộc vô cùng quý trọng. Thiên Nguyệt nhị Đức có trong mệnh thì sẽ được sủng ái chốn tiêu phòng. Nếu như giờ sinh của cô gái này chính xác thì đây sẽ là một vị nương nương. Như vậy không phải đã đoán đúng rồi sao? Chúng con còn nhớ ông ta nói: “Tiếc là vinh hoa phú quý không được lâu dài, chỉ sợ gặp phải tháng Mão năm Dần thì đó chính là Tỉ Kiên chồng TỈ Kiên, Kiếp Tài thêm Kiếp Tài, cũng giống như cây gỗ tốt, đẽo gọt tỉa tót quá nhiều thì chất gỗ không còn cứng nữa. Họ đều quên những lời này rồi, chỉ lo đến những việc không đâu. Con vừa mới nhớ ra liền nói với bà lớn, năm nay chẳng phải là năm Dần tháng Mão sao?”

Có thể biết được, Bát tự trong sách Cao Ngạc xếp cho Nguyên phi là:

(năm) Giáp Thân (tháng) Bính Dần (ngày) Ất Mão (giờ) Tân Tỵ

Ất Mão ở trụ ngày là của bản thân Nguyên phi. Trong 12 cung, Mão là vùng Lâm Quan Lộc của Ất Mộc, vì vậy gọi là “Nhật Phùng Chuyên Lộc”, đây là mệnh rất tốt. Lại như “Tân Kim vi quý”, thì sách tướng số chỉ ra rằng, Tân gặp Dần là Thiên Ất quý nhân, rất quý, nhưng nếu là sự phối hợp giữa trụ ngày và các trụ năm, tháng, giờ thì càng tốt. “Chính Quan trong Ty, Lộc Mã hưng vượng”, nghĩa là Canh Kim trong Tỵ là Chính Quan của Thiên Can ngày Ất Mộc, bản thân Địa Chi Tỵ lại là vùng Lâm Quan Lộc của Bính Hỏa trong Ty, hơn nữa Địa Chi giờ Tỵ và Địa Chi ngày Mão gặp nhau, ứng vào mệnh Dịch Mã”, vì vậy thầy tướng số nói mệnh của Nguyên phi là “một quý nhân, cũng không thể ở trong phủ này được.”

Nếu không ở trong phủ này thì sao lại đoán là sẽ được sủng ái chốn tiêu phòng? Điều này là do “Thiên Nguyệt nhị Đức thuộc bản mệnh”. Ở đây, “Thiên Nguyệt nhị Đức thuộc bản mệnh” mà Bảo Thoa nói đến có sự khác biệt với Thiên Đức, Nguyệt Đức trong sách tướng số, xem ra là chỉ “Quy Lộc gặp nhị Đức”.

Còn cái gọi là “Phi Thiên Lộc Mã cách” thì trong “Hỷ Kỵ Thiên” có nói: “Nếu gặp phải Thượng Quan Nguyệt Kiến, thì ở chỗ xấu chưa hẳn đã xấu, vì bên trong còn có Đảo Lộc Phi Xung.” Nguyên phi sinh vào ngày Ất Mão, Ất là Âm Mộc, Quan Tinh của nó là Canh Kim, mà Bính Hỏa trong tháng có thể khắc Canh Kim, như vậy tạo nên “Thương Quan Nguyệt Kiến”. Ngày Ất có Bính Hỏa trợ giúp, lại sinh vào tháng Dần Mộc đầu xuân, Mão Mộc ở Địa Chi ngày có thể xung khắc Thân Kim chứa trong giờ Tân, “Đảo Lộc Phi Xung” biến thành “Phi Thiên Lộc Mã cách”.

Qua việc mượn lời của Bảo Thoa để thuật lại những phân tích về số mệnh của thầy tướng số, tác giả đã thể hiện sự hứng thú và hiểu biết của mình đối với tướng số. Điều này càng được khẳng định rõ hơn qua đoạn văn: “Tiếc là vinh hoa phú quý không được lâu dài, chỉ sợ gặp phải tháng Mão năm Dần thì đó chính là Tỉ Kiên chồng Tỉ Kiên, Kiếp Tài thêm Kiếp Tài, giống như gỗ tốt, đẽo gọt tỉa tót quá nhiều thì chất gỗ không còn cứng nữa”. Đây đều là lời nói của người trong nghề.

Còn ở hồi thứ 2 trong tác phẩm, khi giới thiệu về lại lịch của Bảo Ngọc, Tào Tuyết Cần đã mượn lời của Giả Vũ Thôn, với nét mặt nghiêm nghị mà nói với Lãnh Tử Hưng rằng:

“Tiếc là các ngươi không biết được lại lịch của người này, đại khái cụ Chính cũng sai lầm coi hắn như tuồng ma quái dâm đãng. Nếu không phải là người đọc nhiều sách, hiểu biết sâu rộng, thông suốt đạo lý, huyền cơ thì không thể biết được.” Lãnh Tử Hưng thấy Giả Vũ Thôn nói có vẻ quan trọng như vậy liền hỏi lý do. Lúc này Giả Vũ Thôn mới kể rõ từ đầu:

Trời đất sinh ra con người, ngoài hai loại người đại nhân và đại ác ra, thì những người khác đều không khác nhau lắm. Người đại nhân xứng với vận mà sinh ra, kẻ đại ác ứng với kiếp mà sinh ra. Ưng với vận sinh ra thì thiên hạ yên ổn, tổng với kiếp sinh ra thì thiên hạ nguy loạn. Như Vua Nghiêu, Vua Thuấn, Đại Vũ, Thương Thang, Văn Lương, Vũ Vương, Chu Nguyên Chương, Triệu Khuông Dân, Khổng Tử, Mạnh Tử, Đổng Trọng Thư, Hàn Dũ, Chu Đôn Di, Trình Hạo, Chu Hy, Trương Hàn,... đều đứng với vận mà sinh ra, còn Suy Vưu, Cộng Công, Kiệt, Trụ, Tần Thủy Hoàng, Vương Mãng, Tào Tháo, Hoàn Ôn, An Lộc Sơn, Tần Cối,... đều ứng với kiết mà sinh ra. Người nhân từ thì bình trị thiên hạ, kẻ hung ác thì nhiều loạn thiên hạ. Trong sạch, linh tú, mang chính khí của trời đất, là bản tính của người nhân từ, tàn ác, ngang bướng, mang tà khí của trời đất, là bản tính của kẻ hung ác. Ngày nay phúc vận đều lâu dài, bền vững, thiên hạ thái bình, những người mang chính khí của trời đất từ chốn cung đình cho đến hàng dân dã đâu đâu cũng có. Phần khí tốt còn dư lại, lan tràn, không chủ quy tụ, biến thành móc ngọt, gió mát, tưới khắp bốn biển, còn tà khí hung tàn ngang ngạnh không thể tràn ra giữa ban ngày, ngưng tụ trong ngòi sâu hang rộng, thỉnh thoảng gặp gió lay mây cuốn thì rung lắc mà cảm phát ra phần nào. Ngộ nhỡ một ly một mảy vọt ra gặp luồng khí linh tú đi qua thì chính không dung tà, tà ghen ghét chính, cả hai không chịu nhau, như gió nước sấm chớp gặp nhau trong đất, đã không thể làm tiêu tan, lại không thể nhún nhường, tất dẫn đến xung đột, Tà khí đã tiết ra thì ắt cũng gởi vào người, nếu nam hoặc nữ bẩm thụ khí này mà sinh ra thì không thể là người quân tử nhân từ, cũng chẳng phải là kẻ đại ác hung hãn. Đặt nó trong ngàn vạn con người, thì khí thông tuệ mẫn tiệp sẽ trên ngàn vạn con người, còn hạng ngang ngạnh, tà ác thì dưới ngàn vạn con người. Nếu sinh ra trong gia đình quan lại, giàu sang phú quý thì là hạng đắm đuối si tình, nếu sinh trong gia tộc trí thức thanh bần thì là kẻ dật sĩ cao nhân; nếu sinh ở nhà nghèo phận mỏng thì thậm chí là con hát hay kỹ nữ chứ không đến nỗi làm tôi tớ, nô bộc, cam chịu để kẻ tầm thường sai khiển, như ngày trước có Hứa Do, Đào Tiềm, Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Vương Tạ nhị tộc, Cố Hổ Đầu, Trần Hậu Chủ, Đường Minh Hoàng, Tông Huy Tông, Lưu Đình Chi, Ôn Phi Khanh, Mê Nam Cung, Thạch Mạn Khanh, Liễu Kỳ Khanh, Tần Thiếu Du, gần đây có Nghê Vân Lâm, Đường Bá Hổ, Chúc Chi Sơn, lại như Lý Quy Niên, Hoàng Phiên Xước, Kính Tân Ma, Trác Văn Quân, Hồng Phất, Tiết Đào, Thôi Oanh, bọn Triều Vân, họ đều là những người tuy khác nhau về thời đại, địa lý, thân phận nhưng phẩm chất đều giống nhau.

Đoạn kể chi tiết này của Giả Vũ Thôn thể hiện tường tận thấu đáo tư tưởng số mệnh của Tào Tuyết Cần. Tào Tuyết Cần cho rằng, trời đất sinh ra con người, ngoài bậc đại nhân và kẻ đại ác ra, mọi người còn lại rất khó nói có sự khác nhau nào. Đối với hai loại người đại nhân và đại ác thì người đại nhân ứng theo vận mà sinh ra, giữ vai trò bình trị thiên hạ, nên khi người đại nhân sinh ra thì thiên hạ yên ổn, kẻ đại ác ứng theo kiếp mà sinh ra nên có thể làm rối loạn thiên hạ, vì vậy, khi kẻ đại ác sinh ra thì thiên hạ nguy loạn. Ngoài ra, trong trời đất còn có chính khí và tà khí, chính khí trong sáng, thông tuệ, tà khí tàn ác, ngang ngạnh.

Người khi sinh ra nhận được chính khí sẽ trở thành người nhân từ, người khi sinh ra nhận được tà khí sẽ trở thành kẻ hung ác. Nhưng trong xã hội, nhiều người khi sinh ra vừa nhận được chính khí vừa nhận được tà khí nên họ không thể trở thành bậc quân tử nhân từ hay kẻ đại ác hung hãn mà chỉ có thể trở thành những người bình thường trong xã hội. Nhưng trong số những người bình thường này cũng có sự khác biệt về đẳng cấp trên dưới, người nhận lấy khí thông minh, linh hoạt thì ở trên ngàn vạn người, còn người nhận lấy khí tà ác ngang ngạnh thì ở dưới ngàn vạn người. Tuy khí mà mọi người bẩm thụ được không khác nhau quá nhiều, nhưng lại có mối liên hệ mật thiết với hoàn cảnh của mỗi gia đình. Xuất thân trong gia đình công hầu giàu sang có khi là kẻ si tình, xuất thân trong gia đình thanh bần trí thức có khi trở thành kẻ sĩ cao nhân, xuất thân trong gia đình nghèo khó bần hàn có khi trở thành con hát, phải xét theo từng trường hợp cụ thể, không thể nói chung chung được.

Có thể thấy rằng, quan niệm xem mệnh bằng cách kết hợp giữa khí trời đất mà con người bẩm thụ được khi sinh ra với hoàn cảnh xuất thân của mỗi người của Tào Tuyết Cần là một bước tiến lớn so với quan điểm chỉ dựa vào bẩm khí của các nhà tướng số từ Vương Sung trở đi. Nhưng khi xem xét toàn bộ tư tưởng mệnh lý học của Tào Tuyết Cần thì thấy nó vẫn chưa thoát khỏi quan niệm về số trời bởi dù sao ông cũng là người sống trong một xã hội phong kiến lớn.

Ngoài “Kim Bình Mai” và “Hồng Lâu Mộng”, còn có rất nhiều tác phẩm tiểu thuyết thời Minh Thanh nói đến thuật tướng số như “Nho Lâm Ngoại Sử” của Ngô Kính Tân, V.V.

Danh mục: BÁT TỰ-TỬ BÌNH
xem thêm