Vì Sao Lưu Bang Thống Nhất Được Thiên Hạ

Hai nhân vật là những người lãnh đạo đi đầu trong việc tiêu diệt nhà Tần đó là Lưu Bang và Hạng Vũ, Nhưng sau đó những mẫu thuẫn gay gắt về quyền lực, lợi ích đã dẫn đến cuộc chiến tranh Hán–Sở.


Cuối cùng sau chiến thắng Hạng Vũ tại trận Cai Hạ -–Lưu Bang lên ngôi hoàng đế lập nên nhà Hán mở ra một triều đại huy hoàng kéo dài 400 năm. Vậy những lý do nào khiến Lưu Bang thâu tóm được thiên hạ trước một Tây sở Bá vương thiện chiến kiêu dũng một chiến tướng bất khả chiến bại vạn nhân địch như vậy.

1. Sai lầm của Hạng Vũ

Thứ nhất, sau khi bức hàng số đông quân đội Tần (khoảng 200.000 quân) Hạng Vũ đã nhẫn tâm tàn sát tất cả bọn họ. Phần lớn trong số họ đến từ đất Quan Trung nước Tần. Với việc làm này, Hạng Vũ đã làm cho dân chúng ở Quan Trung căm ghét, và sau này họ đã quay sang ủng hộ cho Lưu Bang trong cuộc chiến chống lại Hạng Vũ.

Thứ hai, Hạng Vũ đã giết Sở Nghĩa Đế (Sở Hoài Vương), người lãnh đạo trên danh nghĩa của cuộc khởi nghĩa chống Tần. Với việc làm này, Hạng Vũ đã bị mắc tội giết vua. Điều này làm cho nhiều người quay sang chống lại ông.

Thứ ba, Hạng Vũ đã đánh giá thấp sự nguy hiểm của Lưu Bang. Mặc dù đã có cơ hội để trừ bỏ Lưu Bang, quân sư Phạm Tăng cũng thúc giục, nhưng Hạng Vũ đã không làm.

Thứ tư, Hạng Vũ đã ưu tiên ban thưởng cho những người trực tiếp theo mình đánh Tần; đối xử kém hơn với những người có công đánh Tần nhưng không quy phục mình. Điều này làm nhiều thủ lĩnh nghĩa quân và dòng dõi chư hầu cũ tức giận. Một vài vị vương khác đã sớm bất bình chống lại ông. Những người này về sau cũng quay sang bên Lưu Bang để chống lại ông.

Thất bại của Hạng Vũ có thể nói liên quan nhiều đến tính cách kiêu ngạo, chẳng coi ai ra gì của ông.

Trong sử ký Tư Mã Thiên có nói: 

“Thái Sử Công nói : tôi nghe Chu Sinh nói :Mắt vua Thuấn có hai con ngươi (Tư Mã Thiên đang nhắc đến một câu chuyện hoang đường, truyền ngôn chứ không phải là đúng sự thật). Lại nghe nói mắt Hạng Vũ cũng có hai con ngươi. Phải chăng là dòng dõi của vua Thuấn ! Sao mà nổi lên nhanh chóng như vậy ! Nhà Tần làm hỏng mất chính sự. Trần Thiệp đầu tiên khởi nghĩa, hào kiệt nổi lên như ong, tranh dành nhau không thể kể xiết. Hạng Vũ trong tay không có quyền binh gì, thừa thế nổi lên nơi thảo dã, trong ba năm liền đem năm nước chư hầu để tiêu diệt Tần, phân chia thiên hạ, phong các vương hầu, ban ra chính lệnh và tự xưng là bá vương, địa vị tuy không trọn vẹn nhưng từ cận cổ đến nay, chưa hề có người nào như thế. Đến khi Vũ bỏ Quan Trung, nhớ đất Sở, đuổi Nghĩa Đế để tự lập, thế mà lại trách các vương hầu phản mình thì thực cũng khó vậy. Tự khoe khoang công trạng, chỉ dùng cái trí của mình mà không chịu bắt chước người xưa, nói rằng có thể lấy võ lực dẹp yên thiên hạ, dựng nghiệp bá vương. Nhưng chỉ được năm năm thì mất nước, thân chết ở Đông Thành, thế mà còn chẳng tỉnh ngộ, không tự trách mình, thật là có lỗi. Lại còn có câu, “Trời hại ta chứ không phải đánh không giỏi, há chẳng lầm sao !”.

2. Sai lầm của Hàn Tín

Vào giai đoạn cuối cuộc giao tranh giữa Hán Sở, địa vị Hàn Tín vô cùng đặc biệt. Nói như Vũ Thiệp thuyết khách của Hạng Vũ:

Lúc này túc hạ nắm quyền của hai vua, túc hạ bước sang phải, Hán vương thắng, bước sang trái Hạng vương thắng”.

Nói như Khoái Thông, biện sĩ của nước Tề thì:

Lúc này mạng của hai vua nằm trong tay túc hạ. Túc hạ vì Hán, Hán thắng, vì Sở, Sơ thắng”.

Tóm lại, Hàn Tín trở thành lực lượng thứ ba ngoài Lưu và Hạng, như vậy, ý kiến của Vũ Thiệp và Khoái Thông là giống nhau, Hàn Tín cần phải giữ thế trung lập, không giúp đỡ ai, để cùng với Lưu Bang, Hạng Vũ chia ba thiên hạ, thành thế chân vạc. Nếu kiến nghị đó được chấp nhận, tất đã có truyện “Tam Quốc diễn nghĩa”, đâu phải chờ đến màn diễn của các vị Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền.

Nhưng Hàn Tín lại không được như Tôn Quyền lại không có khí phách của Tôn Quyền. Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng không thể hạ quyết tâm phản lại Lưu Bang - Hàn Tín hàm ân Lưu Bang nên không nỡ phản lại. Hàn Tín nói với thuyết khách của Hạng Vũ:

Ban đầu tôi phụng sự Hạng vương, là quan Lang trung, chuyên vác kích đứng, nói không ai nghe, kế không ai theo, nên mới phản Sở về với Hán. Hán vương đối đãi tôi rất hậu, lấy xe của mình để cho tôi đi, lấy áo của mình để cho tôi mặc, lấy cơm của mình để cho tôi ăn. Tôi nghe nói "đi xe người ta thì lo điều lo của người ta, mặc áo của người ta thì mang điều lo nghĩ của người ta, ăn cơm người ta thì chết cho công việc của người ta". Tôi lẽ nào lại chạy theo lợi mà quên nghĩa? Một người đã tin yêu, tín nhiệm Hàn Tín, nay phản lại người đó, hay ho gì?.

Hàn Tín nghĩ mình có công với Hán vương, cuối cùng sẽ không đến nỗi thỏ chết thì giết chó săn. Nên cuối cùng thì thấy “không nỡ”. Không nỡ, chính là lòng nhân của đàn bà. Thế rồi, Hàn Tín, người có lòng nhân của đàn bà đá bị Lã hậu, người đàn bà bất nhân đó giết chết.

Dịch Trung Thiên cho rằng:

"Trong Hàn Tín có cả lòng trung và gian, và cả hai đều không triệt để, không hết lòng trung và không dám phản thật. Nếu trung triệt để, thì cho dù bị oan cũng sẽ có những bậc trượng phu đứng ra nói thay cho, không người nào đứng ra biện hộ cho Hàn Tín chứng tỏ nhân cách của Hàn Tín có vấn đề. Còn nếu phản triệt để, thành công thì không cần nói, có thua cũng không hối hận".

"Hàn Tín chê Hạng Vũ có lòng nhân của đàn bà, do dự thiếu quyết đoán nhưng lại không biết chính mình cũng như thế, và cũng không biết rằng đàn bà vị tất đã có lòng nhân. Cuối cùng thì Hàn Tín, người có lòng nhân của đàn bà đã bị Lã hậu, một người đàn bà bất nhân giết hại. Khi so sánh ba con người Lưu Bang, Hạng Vũ và Hàn Tín, Dịch Trung Thiên cho rằng: Lưu Bang tự biết mình biết người nên đã chiến thắng. Hạng Vũ không biết mình cũng không biết người nên thua to. Hàn Tín biết người nhưng không biết mình nên tuy có thành công nhưng cuối cùng kết cục còn thê thảm hơn cả Hạng Vũ. Hạng Vũ là anh hùng triệt để, anh hùng bản sắc nên chết oanh liệt. Hàn Tín khó khăn lắm mới trở thành anh hùng, là anh hùng không triệt để nên ấm ức mà chết".

3. Sở trường của Lưu Bang

Sau khi Hàn Tín rời bỏ Hạng Vũ sang với Lưu Bang, đã có mấy buổi hai người trò chuyện với nhau, câu chuyện luôn nói về Hạng Vũ. Lưu Bang hỏi Hàn Tín:

"Tiêu thừa tướng nhiều lần tiến cử tướng quân với quả nhân, nay tướng quân có kế sách gì xin chỉ bảo cho quả nhân"?

Hàn Tín không trả lời thẳng mà lên tiếng hỏi lại:

"Nay người đi về hướng đông tranh giành thiên hạ với đại vương phải chăng là Hạng Vũ"?

Lưu Bang nói: "Đúng".

Hàn Tín hỏi tiếp: "Đại vương tính lại xem, về sự dũng mãnh của cá nhân, sự tinh nhuệ của quân lính, liệu có bằng Hạng Vũ không"?

Lưu Bang suy nghĩ hồi lâu rồi nói: "Ta không bằng hắn".

Hàn Tín đứng dậy, bái lạy, nói:

Tất cả đều đúng."Bản thân Hàn Tín cũng thấy rõ, đại vương không bằng Hạng Vũ"

Cứ như câu chuyện Hàn Tín và Lưu Bang luận bàn với nhau thì có thể nói, con người Lưu Bang chẳng có bản lĩnh gì, nhưng ông là người dám nói dám làm. Ưu điểm lớn nhất của Lưu Bang là dám quyết đoán, làm đến cùng, đến nơi đến chốn không một chút hồ đồ.

Lưu Bang tuy không có bản lĩnh gì, không có mưu kế gì, nhưng khả năng phán đoán lại rất tốt, dám quyết định, dám đánh cược bằng cả sinh mạng của mình bất chấp tất cả.

Chính nhờ có tư chất đó nhiều lần Lưu Bang chuyển nguy thành an, cuối cùng thì chuyển yếu thành mạnh, từng bước, từng bước đi tới thắng lợi.

Nói về khí độ và tư chất, Lưu Bang không hổ với danh hiệu lãnh tụ. Những tố chất cần thiết của lãnh tụ, Lưu Bang đều có, căn bản không cần phải học, mà học cũng chẳng vào.

Trương Lương, Trần Bình, Hàn Tín, Tiêu Hà luôn có nhiều chủ trương cho Lưu Bang, nhưng những chủ trương đó đều nhằm thẳng vào vấn đề hiện thực, hoặc là những thao tác cụ thể, là mưu lược chưa phải chiến lược. Những kiến nghị mang tính chiến lược cũng có và Lưu Bang luôn hiểu rất nhanh. Riêng óc quan sát, năng lực phán đoán, tính nhạy bén là trời ban cho Lưu Bang.

Hàn Tín nói: "Lưu Bang có tài cầm tướng” là “do trời ban, không phải sức người”, nếu không trân trọng cũng đừng nên nhạo báng.

Là lãnh tụ, ưu điểm lớn nhất của Lưu Bang là “biết người”. Nói tới biết người không phải là tôn trọng người tài, giỏi dùng người tài chung chung, mà là nắm được ưu điểm, nhược điểm trong tính cách của người đó, có như vậy mới đoàn kết được mọi lực lượng, mới có thể cô lập được kẻ thù, đánh phá từng người một, cuối cùng mới giành được thiên hạ. Thiên hạ là gì? Là người, không phải là đất đai.

Vì vậy được thiên hạ, cũng chính là được người, được lòng người. Lưu Bang thấu hiểu điều này. Gần như tù lúc sinh ra Lưu Bang đã biết kết giao với con người. “Tư trị thông giám” viết:

"Lưu Bang ghét đọc sách, nhưng tư chất thông minh, lòng dạ cởi mở, có thể tiếp nhận những mưu kế tốt nhất. Thậm chí, với một kẻ gác cửa, một tên lính hạng bét khi gặp mặt Lưu Bang cũng trở thành bè bạn thân thiết. Tôi nghĩ, ngoài tính cách rộng rãi khoáng đạt, không câu nệ, chan hoà".

Lưu Bang còn thấu hiểu một điều: “Mọi vật trong thế gian, con người là báu vật số một”. Vì vậy Lưu Bang coi mọi người là của cải, là tài nguyên quý giá nhất, chỉ sợ thiếu chứ không lo thừa.

Làm gì để có thể hiểu được lòng người? Cũng tức là hiểu được người khác đang muốn gì, và giúp họ thoả mãn

Theo đánh giá của các nhà sử học, Lưu Bang hoàn toàn trái ngược với đối thủ Hạng Vũ. Trong khi Hạng Vũ thường được thể hiện là một người lãng mạn và quý phái, Lưu Bang thường bị coi là thô lỗ.

Hạng Vũ luôn tỏ ra nhân đức đối với các tướng và lính tráng, nhưng lại là một nhà chính trị kém cỏi. Trong khi đó Lưu Bang xuất thân thấp hèn, ít học, tự biết mình tài năng không có bao nhiêu, nên ông sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người khác, tận dụng tài năng của cấp dưới để thành sự nghiệp.

Lưu Bang được nhìn nhận là một nhà chính trị kiệt xuất, ông biết cách thu hút, tận dụng tài năng và điều khiển quần hùng.

Thủ hạ của Lưu Bang có đủ mọi loại người, Trương Lương là quý tộc, Trần Bình là du sĩ, Tiêu Hà là huyện lại, Hàn Tín là thường dân, Phàn Khoái là đồ tể, Quán Anh bán vải, Lâu Kính phu xe, Bành Việt là trộm cướp, Chu Bột là tay đánh trống. Lưu Bang coi họ như nhau, dùng theo khả năng của từng người, không quan tâm tới việc người ta gọi mình là quân tạp nham, là vua của giặc cỏ.

Lưu Bang từng nói:

“Phàm việc tính toán trong màn trướng mà quyết định được sự thắng ở ngoài ngàn dặm thì ta không bằng Tử Phòng (tức Trương Lương), trị nước nhà, vỗ yên trăm họ, vận tải lương thực không bao giờ đứt thì ta không bằng Tiêu Hà, nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là thắng, tiến công là nhất định lấy thì ta không bằng Hàn Tín. Ba người này đều là những kẻ hào kiệt, ta biết dùng họ cho nên lấy được thiên hạ. Hạng Vũ có một Phạm Tăng mà không biết dùng cho nên mới bị ta bắt.”

Mấy câu nói đó cũng đã nói lên tố chất nhìn người siêu việt của Lưu Bang như thế nào, nói tóm lại Lưu Bang có thể an định thiện hạ đó là nhờ vào các tố chất: Nhân tâm, biết người, dùng người và một ý chí sắt đá kiên trì thực hiên mục tiêu đến cùng.

xem thêm