Thuật đoán mệnh – học thuật hay mê tín?

Khi so sánh thuật tướng số Trung Quốc với bất kỳ thuật xem tướng nào trên thế giới thì thấy thuật tướng số Trung Quốc quả thật phức tạp và khó học hơn nhiều, vì nó có vẻ như một hệ thống học thuật vô cùng chặt chẽ, hoàn thiện.


Cũng vì nguyên nhân này mà hơn ngàn năm nay, thuật tướng số Trung Quốc vẫn luôn giữ được thế mạnh của nó, phổ biến trên toàn thế giới và được nhiều học giả, nhà nho lớn như Khổng Tử, Liệt Tử, Chu Hy, Lưu Cơ, Du Khúc Viên, V.v. tin tưởng. Và nhờ danh tiếng lừng lẫy của họ mà thuật tướng số đã phổ biến rộng khắp, đồng thời được nhiều người dân thường tin tưởng.

Sở dĩ có sự gia nhập của các học giả, nhà nho lớn này chủ yếu là vì thuật tướng số đã lấy lý luận triết học Âm Dương Ngũ Hành và thuyết Thiên Nhân Cảm Ứng của Trung Quốc làm căn cứ. Dưới sự chi phối của những lý luận có vẻ như mang tính khoa học này, nhiều học giả như Vương Sung - một học giả lớn thời Đông Hán, mặc dù không tin quỷ thần nhưng cũng rất tin vào số mệnh Sau đó, các học giả khác như Lý Hư Trung thời Đường và Từ Tử Bình thời Ngũ Đại đã tiếp thu những học thuyết về Ngũ Hành tướng số của các học giả thời Đông Hán rồi phát triển thêm ở phần nói về số mệnh, từ đó đã tạo nên một hệ thống học thuật hoàn chỉnh.

Nói tóm lại, do lý luận tạo mệnh của thuật tướng số đã lấy triết học Âm Dương Ngũ Hành và một số hiện tượng trong thiên văn làm cơ sở, lại được sự khẳng định của các học giả uyên thâm cùng những nhà nho nổi tiếng nên nó vô tình được khoác thêm tấm áo mang màu sắc khoa học bên ngoài. Thật ra, nếu không xét đến mục đích mà chỉ xem xét chính bản thân của thuật tướng số thì quả thật nó là một hệ thống hoàn chỉnh, nếu như muốn đi sâu vào nghiên cứu tìm hiểu thì cũng phải mất cả đời, nó ra đời với mục đích tìm hiểu về thọ yểu, vinh nhục, họa phúc, V.v. trong cuộc đời con người; nó là một loại thuật dự báo mà bao nhiều năm nay mọi người vẫn hướng đến.

Từ khi Trung Quốc có sử đến nay, thuật dự báo ngoài việc xem tướng bằng Tứ trụ ra, còn có các thuật khác như chiêm tinh, bốc tướng, chiết tự, gieo quẻ đoán mộng, lên đồng, V.v. Mặc dù bên trong chúng đầy rẫy màu sắc mê tín nhưng thật ra, nếu xét theo một phương diện nào đó thì nó cũng chứa đựng những nghiên cứu tìm hiểu của nhiều học giả trong một thời gian dài; và đối với cả nhân loại, thuật dự đoán này quả thật quá thần bí, hấp dẫn. Tuy nhiên, cho đến cuối cùng, những nỗ lực nghiên cứu tìm tòi này đều thất bại.

Vậy suy cho cùng thuật tướng số có phải là sự mê tín không? Câu trả lời là, nếu xét trong hệ thống hoàn chỉnh của bản thân thuật tướng số thì bên trong nó ít nhiều cũng chứa đựng những tư tưởng khoa học, nhưng nếu xét về mục đích thì mức độ hợp lý của thuật tướng số vẫn còn hạn chế, do nó chỉ lấy phương pháp suy đoán diễn dịch làm tiền đề cơ bản mà không xét đến các nhân tố cá nhân và xã hội; hơn nữa, nó lại nói một cách sáo rỗng về những triết lý, nào là bẩm khí của trời, Ngũ Hành sinh khắc, rồi kết hợp với các hiện tượng thiên văn, những loại hung thần ác Sát hỗn tạp trong vũ trụ vốn không hề tồn tại, vì vậy nó không những suy đoán không chính xác, mà còn bị bọn thuật sĩ giang hồ lợi dụng để gạt người, từ đó làm cho thuật tướng số khoác thêm lên tấm áo thần bí, nặng về mê tín.

Hiện nay, trong xã hội vẫn có không ít người rất tin vào thuật tướng số, điều này cho thấy sự tồn tại của nó có nguồn gốc lịch sử và nhân tố xã hội vô cùng phức tạp. Muốn trừ bỏ triệt để sự mê tín này mà chỉ đơn thuần dựa vào lệnh cấm của nhà nước và bức tường hành chính thì không có tác dụng gì cả. Xem ra, biện pháp tốt nhất vẫn là phân tích về thuật tướng số một cách công bằng rồi đưa bản chất thật sự của nó ra ánh sáng để mọi người có thể tự nhận xét, phê phán một cách khoa học và sâu sắc; như vậy, mọi người sẽ biết được thuật dự đoán này cuối cùng có linh nghiệm hay không, và bọn thuật sĩ giang hồ bịp bợm cũng không còn “làm ăn” được nữa.

Lúc đầu, thuật tướng số mà Lý Hư Trung tìm ra vốn căn cứ vào Can Chi của năm, tháng, ngày sinh mà suy đoán, nhưng vì số người có kết quả suy đoán giống nhau quá nhiều nên Từ Tử Bình thời Ngũ Đại đã thêm vào Can Chỉ trụ giờ sinh, từ đó đặt cơ sở cho việc xem tướng với Bát tự Tứ trụ năm tháng ngày giờ. Nhưng như vậy thì cũng chỉ có khoảng hai trăm năm mươi mấy ngàn loại mệnh, do đó, trong xã hội vẫn có không ít người có Bát tự giống nhau. Hơn nữa, trong số những người có Bát tự giống nhau thì nhiều khi vận mệnh lại hoàn toàn khác nhau. Điều này làm cho các nhà tướng số gặp không ít khó khăn. Đối với hiện tượng khó giải thích này, họ thường tự viện ra những lý lẽ để lảng tránh hoặc nói cho suôn sẻ, nhưng tất cả chỉ là khiên cưỡng.

Ví dụ, trong sách “Tân Thế Thuyết” của Dịch Tông Quỳ có chép một câu chuyện về tướng số như sau: Vào giữa năm Khang Hy, Sử Trụ Tư dẫn cả nhà từ Lật Dương vào kinh thành, giữa đường phải cho đỗ thuyền vào trạm vì người vợ sắp sinh con, sau đó đặt tên con là Di Trực. Lúc ấy do gió lớn không thể nào cho thuyền đi tiếp được nên Trụ Tư lên bờ đi dạo xung quanh, thấy nhà một người thợ rèn cũng vừa sinh con. Hỏi ra mới biết Bát tự của con mình và con người thợ rèn hoàn toàn giống nhau. Hai mươi năm sau, con của Trụ Tư là Sử Di Trực làm quan đến chức Thanh cấm, còn Trụ Từ cáo lão về quê. Trên đường đi, ngang qua bến đỗ thuyền năm xưa, vì muốn xem con trai người thợ rèn bây giờ thế nào nên Trụ Tư ghé vào bờ tìm hỏi, không ngờ nhà của người thợ rèn vẫn vậy, chỉ thấy trong nhà có một thiếu niên mặt mày trắng trẻo sáng sủa đang đập sắt, đó chính là con trai của người thợ rèn, người được sinh cùng năm tháng ngày giờ với con trai ông năm xưa. Vì tinh thông thuật Tử Bình nên sau khi về nhà trong lòng Trụ Tự cứ suy nghĩ tại sao hai đứa trẻ có Bát tự hoàn toàn giống nhau mà cảnh ngộ lại khác nhau như vậy? Suy nghĩ mãi, chợt ông nhận ra rằng: “Trong Tứ trụ của hai đứa trẻ này Hỏa khí quá mạnh, thiếu Thủy áp chế. May mà con trai ta vì sinh trên thuyền, nên có được Thủy khí bổ sung vào chỗ thiếu, còn con trai người thợ rèn thì do gặp Hỏa khí giúp sức thêm nên  mất đi sự cân bằng, vì vậy mà khó tạo được nghiệp lớn.” Lời giải thích này thật ra chỉ là sự lảng tránh, và quá khiên cưỡng.

Trong sách “Hạc Lâm Ngọc Lộ” của La Đại Kinh, một tác phẩm nổi tiếng trong các bút ký thời Tống, có chép một đoạn về “con toán lớn” như sau: Một ngày nọ, có người tìm đến Hoàng Trực Khanh, nói rằng ông ta là một người giỏi xem tinh số, có thể biết trước tốt xấu, họa phúc. Hoàng Trực Khanh trả lời rằng: “Ta cũng có một con toán lớn, trong Thượng Thư có nói: “Ban ơn thì được phước, gieo ác thì gặp họa. Làm điều thiện thì có trăm điều lành, làm điều xấu thì có trăm tại ương. Trong Đại Học cũng có nói: “Nói sai quấy thì nghe điều sai quấy, của vào bất chính thì ra bất chính. Điều này từ xưa đến nay không hề sai, chẳng lẽ không hơn con toán của ông sao?” ở đây, Hoàng Trực Khanh dẫn lời trong sách “Thượng Thư” và “Đại Học” ý muốn nói rằng một người làm việc thiện thì tốt, làm việc ác thì xấu; làm việc thiện, trời sẽ ban phúc cho; làm việc xấu, trời sẽ giáng họa xuống. Nói những lời trái ngược làm tổn thương người khác thì cũng sẽ bị người khác làm tổn thương lại. Những của cải, đồ vật có được do bất chính thì cũng sẽ bị người ta dùng cách bất chính để lấy đi.

Có thể thấy, bằng cách dùng những lời nói trong “Thượng Thư", “Đại Học” để nói về “con toán lớn” trong cách đối nhân xử thế, Hoàng Trực Khanh đã phê phán một cách sinh động, dí dỏm tinh số của người khách; có thể nói đây là cách phê phán rất có sức nặng.

Quả thật, trong việc đối nhân xử thế, điều quan trọng nhất vẫn là “con toán lớn” đó, đó là cách tốt nhất để tự xem tướng cho mình. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đâu, ở đây thuyết nhân quả báo ứng của nhà Phật và đạo đức truyền thống Trung Quốc có sự nhất trí với nhau ở một mức độ nhất định. Bình thường đạo Phật phản đối việc xem tướng số, chủ yếu là do họ tin rằng “làm nhiều việc thiện, tránh xa việc ác” thì điều tốt sẽ đến với ta, còn như trời an bài sắp đặt thế nào thì không nên hỏi đến.

Sự thật thì có rất nhiều người bị vấp ngã chỉ vì tin vào sự sắp xếp của vận mệnh, xem nhẹ con toán lớn”. Nghe nói vào khoảng giữa thời Minh Thanh có con trai người thợ nhuộm, xem Bát tự được mệnh rất giàu sang, quan cao lộc hậu. Người trong nhà nghe nói đứa trẻ có mệnh quý như thế đều vui mừng khôn xiết nên từ lúc nhỏ việc gì cũng nghe theo nó. Sau đó, đứa trẻ lớn lên ăn chơi, rượu chè hư hỏng, không lo học hành, kết quả say rượu té xuống sông mà chết, lúc mới 19 tuổi. Đây lẽ nào không phải là tai họa dẫn đến do tin theo việc xem tướng số, làm đứa trẻ bị mất đi sự giáo dục từ nhỏ?

Tóm lại, đối với thuật tướng số trong văn hóa Trung Quốc, trước hết chúng ta cần tìm hiểu và phân tích nó một cách thấu đáo, vì đây cũng chính là quá trình phê phán. Cấm đoán ngăn chặn không bằng hướng dẫn giáo dục, quy luật lịch sử này đã sớm được chứng minh.

Dù là trong lịch sử khoa học hay lịch sử văn hóa Trung Quốc, thuật tướng số Trung Quốc đều có vị trí riêng của nó, nhưng vì bản thân của thuật tướng số là suy đoán số mệnh và vì hàng loạt nguyên nhân khác nên bao nhiêu năm nay nó đã không được để ý nghiên cứu.

Thuật tướng số là một hiện tượng khoa học và văn hóa, nên chúng ta hoàn toàn có thể nhận định rằng: Trong tất cả các lĩnh vực văn hóa, khoa học ở Trung Quốc, nếu xét về tầm ảnh hưởng sâu rộng thì hầu như không gì có thể sánh ngang với thuật tướng số. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân những học giả nhà nho, vì đa số họ đều rất hứng thú với phương thuật dự đoán thần bí này, mà còn lan rộng khắp các tầng lớp quần chúng nhân dân trong xã hội, cuốn hút mọi người. Tuy rằng sự xuất hiện của hiện tượng này có nguyên nhân xã hội và nguyên nhân lịch sử của nó, nhưng do tác động rất lớn của lịch sử và sự ăn sâu bám rễ của hình thái ý thức xã hội, nên mặc dù ngày nay dù chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng đã phát triển mạnh mẽ, nhưng muốn loại bỏ thuật tướng số mang nặng màu sắc thần bí của chủ nghĩa duy tâm này ra khỏi tâm trí người dân một cách triệt để thì vẫn còn quá sớm. Ngăn chặn cấm đoán không bằng hướng dẫn giáo dục, huống hồ đây là một hiện tượng văn hóa và khoa học, nên bản thân nó cũng có những giá trị để tồn tại và sử dụng trong việc nghiên cứu.

Đương nhiên, tướng số mê tín được xây dựng trên quan điểm số mệnh thì sớm muộn gì cũng cần phải xóa bỏ triệt để. Nhưng chúng tôi cho rằng, biện pháp phá bỏ đối với sự mê tín đã ăn sâu bám rễ này là vừa hướng dẫn, dùng lý lẽ thuyết phục, vừa dùng những biện pháp ngăn chặn cấm đoán cần thiết thì sẽ triệt để và có hiệu quả hơn so với việc chỉ áp dụng một cách cứng nhắc các biện pháp cấm đoán. Lại do tâm lý của con người, cái gì càng thần bí, không được làm rõ, kín đáo, bí mật, không muốn cho họ biết thì họ lại càng nghĩ ra trăm phương ngàn kế để làm cho chân tướng của nó lộ ra. Ở đây, chúng tôi dứt khoát lột tấm màn thần bí của thuật tướng số, đưa nó ra ánh sáng, để mọi người đều nhìn thấy rõ, tiến hành những nghiên cứu, phê phán nó một cách triệt để. Tin rằng làm như thế sẽ giúp mọi người sau khi thấy rõ bộ mặt thật của nó thì cảm giác thần bí vốn có đối với nó sẽ mất đi và sự mê tín cũng theo đó mà bị xua tan.